Ở vùng Thất Sơn, An Giang nhiều người biết câu chuyện về việc người xưa có phát hiện một cục đá, trên đó có 11 chữ Nho, cho là “Bia đá Càn Long” (!)

Truyền rằng, cục đá do ông Đạo Lập (tên thật Phạm Thái Chung, cũng có người nói là Lý Chánh Trung – một trong 12 đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An) lấy được ở Giang Thành, Hà Tiên.

Trong “Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thu, cốc đán”, cho biết rõ: ngày (cốc đán: ngày tốt), mùa (trọng thu: giữa thu), năm (Càn Long ngũ thất niên: năm vua Thanh Cao Tông – Càn Long thứ 57). Thời nhà Thanh (Hoàng Thanh hiểu là “nước Thanh” – như bia mộ Thoại Ngọc Hầu và phu nhân, ghi “Hoàng Việt” vậy).

Vỏn vẹn chỉ có thế, tại sao người ta không nghĩ rằng đó là một tấm bia đá của người Hoa (ghi lại mốc thời gian của một sự kiện nào đó, hay bia mộ của ai đó đã bể chẳng hạn), mà lại cố tình áp đặt đó là “cây ếm” của họ Mạc?

Ta biết, năm 1792 (Nhâm Tý), lúc ấy Mạc Công Bính (con trai út Mạc Tử Hoàng, hưởng quyền thế tập) được chúa Nguyễn Ánh phong làm Khâm sai đạo Long Xuyên. Được hưởng ân lộc vinh hiển, họ Mạc rất phấn khởi, cho dù phải hy sinh cũng quyết chu toàn trách nhiệm chúa đã tin giao.

Lịch sử đã chứng minh sự trung thành, công sức đóng góp và rất được lòng dân của họ Mạc. Vậy thì, họ Mạc không dại gì “ếm” ngay trên vùng đất ấy (ở Ton Hon, Hà Tiên) để chuốc lấy sự tàn tạ cho chính con cháu mình. Điều cần lưu ý là ngay từ thời “Châu Đốc tân cương”, ngoài tộc người Việt, bên cạnh người Khơ me, các tộc người khác như người Chăm, người Hoa cũng đã đến định cư nơi đây rất sớm và chung sống với nhau rất thân thiện.

img
Lăng mộ MạcThiênTích.

Nếu đó là “tấm đá ếm” vì “thấy vượng khí của vùng sơn lãnh linh thiêng, hoặc bởi biết có long huyệt, sợ đất Việt sẽ phát sinh thánh chúa”, tại sao khi phát hiện người ta không phá hủy quách đi, lại hết lòng hết sức bảo vệ, trân tàng ở chùa như một thứ của quý?!

Hay vì muốn thiêng liêng hóa những cây thẻ truyền rằng do Đức Phật Thầy sai Quản cơ Trần Văn Thành cắm nên đã quan trọng hóa tấm đá kia? Nếu nghĩ như thế là lầm, bởi nếu giải thích ở góc độ tôn giáo, một số người cho rằng mỗi cây thẻ mang ý nghĩa biểu trưng danh hiệu của một vị Phật, nên người trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã dựng lên miếu thờ tại các vị trí cắm thẻ (?), gọi “Dinh Ông Thẻ”.

Truyền rằng cây thẻ cắm ở làng Vĩnh Hanh mang danh hiệu Đông Phương Thanh Đế; cây thẻ cắm ở làng Vĩnh Thạnh Trung mang danh hiệu Bắc Phương Hắc Đế; cây thẻ cắm ở Bài Bài làng Vĩnh Tế mang danh hiệu Tây Phương Bạch Đế; cây thẻ cắm ở Giồng Cát rừng tràm Vĩnh Điều mang danh hiệu Nam Phương Xích Đế (thẻ này ở rừng tràm Vĩnh Điều, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.

Vì ở giữa rừng tràm nên vị trí không xác định, do đó đã bị thất lạc); cây thẻ cắm ở Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) gần hang Bác vật Lang mang danh hiệu Trung Ương Huỳnh Đế!

Trong tinh thần bảo tồn, nhất là bảo tồn cổ vật mang tính tâm linh, người trong đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã nhổ lên đem đặt trong những ngôi miếu thờ dựng cất tại/ gần vị trí cắm thẻ, cất Dinh tại đó và đem vào thờ trùm quấn lại bằng vải đỏ rất trang nghiêm, kích cỡ chỉ bằng cườm tay, dài khoảng 30cm, có lẽ do đã hư mục nên thấy quá nhỏ gọn, hương khói thường nhựt, gọi “Dinh Ông Thẻ” (như ở ấp Bình An Thạnh Lợi, xã Thạnh Mỹ Tây – nay thuộc xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, An Giang).

Nhà thờ của họ Mạc ở Hà Tiên.

Với người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, thẻ là “vật thiêng” nên đã nhân hóa là “Ông Thẻ”. Ta không ngạc nhiên về sự nhân hóa này, vì nó được dùng rất phổ biến trong dân gian Nam Bộ: con cọp thì gọi “Ông Cọp”; con sấu 5 chân thì gọi “Ông Năm Chèo”; đôi trâu của Đức Phật Thầy dùng trong việc khai hoang đặt tên là con Sấm và con Sét, về sau người đời gọi “Ông Sấm, Ông Sét”; chiếc ghe 6 bổ chèo mà ngày xưa Trần Văn Thành dùng làm phương tiện đi lại (đang thờ tại “chùa Ghe Sáu” ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới) nay gọi “Ông Sáu” v.v.

Việc dựng cất dinh Ông Thẻ là việc làm hoàn toàn phù hợp nếp nghĩ lâu đời của dân gian, nó giống như người ta dựng cất những ngôi miếu nhỏ vừa là cơ sở thờ tự (thổ thần) vừa làm ranh đất, bởi thông thường, cho dù kẻ có gian ý cũng không ai dám cả gan dời miễu để lấn ranh. Và sự thực từ bao đời nay trong nếp nghĩ của “người Việt tâm linh” là như thế.

Đáng tiếc do không nắm được ý nghĩa của việc cắm thẻ, nên người ta cho rằng đó là một cách giải trừ trấn ếm theo thuật phong thủy để nhằm đối phó với ý đồ của Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích… Rằng, họ Mạc không muốn cho vùng địa linh này hưng vượng, phát khởi. Cách suy luận kỳ quặc ấy mới nghe qua cũng khá lý thú nên đã làm không ít người tâm đắc, đua nhau truyền tụng!?

Còn nếu không thần thánh hóa mà hiểu theo cách hiểu phổ biến ngày xưa thì, theo Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, cây thẻ có hình thức là một cây dài, vạt bằng một đầu để ở nóc “nhà việc” (trụ sở làng), ban đêm dân tuần phải vác theo cho biết là dân tuần làng nào.

Cũng hiểu đó là một miếng cây dẹp, thuộc loại gỗ bền không mục (hoặc rất lâu mục), có khắc chữ trên đó (thường là tên – danh hiệu) đem cắm ở những nơi nhất định để làm dấu, kiểu ranh đất, không hơn không kém, gọi “mộc bài” (như địa danh Mộc Bài ở Tây Ninh). Vậy vấn đề “Ông Thẻ” nếu không hiểu là những “vật thiêng” mang tính tôn giáo, thì nên hiểu nó chỉ là những “cột mốc ranh giới” mà thôi.

Mà đã là “cột mốc ranh giới” thì người ta chỉ cắm ranh tại 4 góc trong phạm vi vùng đất chiếm hữu (để thể hiện quyền làm chủ trong công cuộc khẩn hoang, mưu tìm sinh kế), chứ không ai cắm thêm 1 cây thẻ ở giữa đất, bởi như thế là thừa và hoàn toàn không mang ý nghĩa gì hết.

Theo tôi, nếu có việc cắm thẻ thì người xưa chỉ cắm 4 thẻ mà thôi và nó không liên quan gì đến những vị Phật trong giảng “Năm ông mười sầu”. Vì vậy việc tùy tiện đặt thêm 1 cây thẻ nữa ở núi Cấm để thành 5 cây, để từ đó gán ghép mỗi cây thẻ với 1 danh hiệu 1 vị Phật (giảng “Năm Ông…”) là chuyện huyễn hoặc, không thể chấp nhận được. Nếu không muốn nói là vô hình trung đã xúc phạm các vị, bởi nếu hiểu 5 cây thẻ ấy tượng trưng 5 ông Phật thì việc đem cắm đặt “Năm Ông” ở 5 nơi giữa rừng núi hoang vu là không ổn!

Hay nói một cách khác, nếu thờ Phật, bất cứ người tín đồ nào cũng rất tôn kính các vị, thờ các vị ở một nơi trang trọng nhất trong chùa, trong nhà…, chứ không một người con Phật nào lại đành lòng đem phơi nắng, phơi mưa giữa rừng hoang cô tịch như thế.

Vả, Đức Phật Thầy có dạy thờ tấm trần điều để tượng trưng Tam Bảo, và chỉ như thế mà thôi chứ không dạy tín đồ tạo bất cứ hình tượng (hay tượng cốt) nào khả dĩ thay thế. Hơn nữa, không ít người trong vùng vẫn còn truyền nhắc chuyện kể về đức Cố Quản được diễn đạt bằng thơ:

Thầy bèn kêu Đức Cố dặn rành:

Sau chú phải cắm ranh bốn thẻ / Ta dặn chú làm cho đủ lẽ
Ai gian tà có thẻ đón ngăn/ Người hiền lương, kẻ dữ có ngằn
”.

Và:

Nhớ khi xưa lời dặn của Thầy/ Nay ta đặt nơi đây “Đồng Láng”(Láng Linh)
Vì thời thế tạm cho giải tán/ Anh em đừng nấn nán lại đây
Ta còn lo công việc của Thầy/ Cắm bốn thẻ Đông, Tây, Nam, Bắc
“.

Nói tóm, những chữ đọc được trên cục đá: “Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thu, cốc đán” không nói lên bất cứ điều gì. Bởi như đã có nói ở trên, đó có thể là mảnh bia mộ đã bể mà chủ nhân của nó là người Hoa bình thường nào đó do người thân của họ làm ra/ dựng lập trong ngày “cốc đán” (ngày lành tháng tốt), chứ không có gì “lớn chuyện”.

Cũng không có một yếu tố nhỏ nào khả dĩ quy kết rằng “họ Mạc bị thúc đẩy đến chỗ không muốn cho Việt Nam có Minh quân Thánh chúa ra đời tại vùng Thất Sơn”.

Dựng chuyện, đưa ra những lý lẽ không xác đáng và với cách suy luận hời hợt, rằng “Ý chừng Ngài (đức Phật Thầy Tây An) đã biết rõ sự trấn ếm của họ Mạc nên cắm thẻ để trấn áp cho mất thiêng đi”. Nói như thế thì làm sao có thể gần nhau được?!

Chuyện kể vừa không căn cơ vừa rất khập khiểng, bởi nó chỉ được dựng lên từ một cục đá bể vô hồn nào đó để rồi “gieo tiếng oán” cho cả “bọn họ Mạc” ở Hà Tiên, “cao luận” rằng họ Mạc “bao giờ cũng nuôi mộng bá vương, chờ cơ vùng vẫy”? Vấn đề này nhà văn Sơn Nam trong Sơn Nam đi và ghi nhớ, cũng đã hơn một lần bác bỏ.

Ta biết, đối với người nông dân đồng bằng Cửu Long, bản chất của bà con vốn thật thà chất phác, rất dễ tin nghe, nhất là những gì được truyền đạt từ “sách vở”; còn đối với người ngoài đạo, hoặc do không có điều kiện nghiên cứu, hoặc do không muốn đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm về tín ngưỡng, tôn giáo nên đành phải … làm thinh!

Chính vì thế mà chuyện cứ được truyền miệng từ người này sang người khác, thế hệ này sang thế hệ khác, đến mức có đến hàng vạn người – nếu không muốn nói là hàng triệu người – đã cả tin như thế!

Đành rằng trong đời sống tâm linh, tin hay không tin việc này việc khác là chuyện riêng của mỗi người. Song sự thật của vấn đề và với góc nhìn khoa học lịch sử, việc bác bỏ luận điệu vô cùng tai hại ấy, tuy đã khá muộn màng, nhưng nhất định là rất cần thiết.

Bài viết cùng chuyên mục, chủ đề

0378.59.00.99