Theo “Việt sử địa dư” việc này xảy ra năm Mậu Thân (1248): “(Trần Thái Tông) niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248), sai người giỏi về phong thủy đi trấn áp vượng khí trong khắp núi sông, như núi Chiêu Bạc, sông Bà, sông Lễ ở Thanh Hóa, đều đào và đục đi

Nhà Trần khai mở bắt đầu từ vua Trần Thái Tông, để từ đó truyền nối 175 năm (1225 – 1400). Nói đến vị vua đầu tiên của nhà Trần, hậu thế đa phần nhớ đến cuộc hôn nhân chính trị ở tuổi thơ bé của Trần Cảnh với Lý Chiêu Hoàng qua bàn tay “đạo diễn” của Trần Thủ Độ. Nhưng quanh vị vua đầu tiên của nhà Trần, còn đôi điều thú vị để nói… 

Lâu nay, sử sách đa phần nhận định, nhà Trần có được ngai vàng qua cuộc chuyển giao quyền lực mềm, nghĩa là không có đổ máu khi sắp xếp để nữ hoàng đế Lý Chiêu Hoàng làm bạn trăm năm với Trần Cảnh rồi sau trao quyền trị nước cho chồng. 

Yểm mạch đế vương

Trước thời Trần, việc trấn yểm mạch đế vương không hiếm. Khi Cao Biền làm Tiết độ sứ ở nước ta là một tay phong thủy có hạng, từng yểm mạch đế vương để triệt dòng phát vận của người Nam, nhưng hắn từng hết hồn hết vía vì thần Long Đỗ, để dân gian sau này dè bỉu là “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”. Còn ở đất Trung Hoa trước đó, khi lên làm Tần Thủy Hoàng đế mở nghiệp nhà Tần, Doanh Chính cũng sai người yểm mạch đế vương mong dòng dõi nhà Tần truyền mãi. 

Vua Trần Thái Tông, trong giai đoạn chuyển tiếp triều đại, có lẽ lo nơi nào đó của nước có người nổi dậy chiếm ngôi, nên cũng mượn tới thuật trấn yểm. “Đại Việt sử ký toàn thư” cho hay, vua “Sai các nhà phong thủy đi xem khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ, đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hóa; còn lấp các khe ở kênh mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết. Đó là làm theo lời Trần Thủ Độ”. 

Theo “Việt sử địa dư” việc này xảy ra năm Mậu Thân (1248): “(Trần Thái Tông) niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17 (1248), sai người giỏi về phong thủy đi trấn áp vượng khí trong khắp núi sông, như núi Chiêu Bạc, sông Bà, sông Lễ ở Thanh Hóa, đều đào và đục đi. Lấp các khe kênh, mở đường ngang lối dọc, không kể xiết. Núi Chiêu Bạc, ngờ rằng tức núi Chiếu Sơn, huyện Nga Sơn. Sông Bà, tại địa giới huyện Đông Sơn. Sông Lễ, còn có tên là sông Mã, phát nguyên từ Lão Qua, hợp lưu với sông Lương, cùng chảy ra biển”. 

Dù đào, đục hay lấp, nhưng khắp cõi Nam, vận đế vương ở mọi nơi, yểm làm sao hết được. Thế nên lời của sử thần Ngô Sĩ Liên chẳng sai chút nào: “Từ khi có trời đất này, thì đã có núi sông này, mà khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời, đều có số cả. Khí trời từ Bắc chuyển xuống Nam, hết Nam rồi lại quay về Bắc. Thánh nhân trăm năm mới sinh, đủ số lại trở lại từ đầu. Thời vận có lúc chậm lúc chóng, có khi thưa khi mau mà không đều, đại lược là thế, có can gì đến núi sông? Nếu bảo núi sông có thể lấy pháp thuật mà trấn áp, thì khí trời chuyển vận, thánh nhân ra đời có pháp thuật gì trấn áp được không?”. Còn “Đại Nam quốc sử diễn ca” thì chê trách việc này:

Tin lời phong thủy khi tà.

Đào sông đục núi cũng là nhọc thay!

Mở triều đại không có miếu hiệu Thái Tổ

Thông thường các vua đầu tiên của một triều đại khi mất miếu hiệu đặt sau khi mất là Thái Tổ. Ví như: Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ… hoặc đặt là Tiên Hoàng (Đinh Tiên Hoàng)… nhưng với vua đầu tiên của triều Trần thì không phải thế. Vì sao vậy?

Sao Trần Thái Tông truy tôn cha Trần Thừa làm Thái tổ, sai thầy phong thủy đi trấn áp vượng khí các núi sông? - Ảnh 1.

Trần Thái Tông làm Thái thượng hoàng, phong cha là Trần Thừa là Thái Tổ.

Trần Cảnh là vua mở nghiệp nhà Trần, cha là Thái Thượng hoàng Trần Thừa mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1234), thọ 51 tuổi. Sau khi cha mất, vua lấy miếu hiệu cho cha là Huy Tôn, mà theo “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi “Thụy là: Khai vận lập cực hoằng nhân ứng đạo thuần chân chí đức thần vũ thánh văn thùy dụ chí hiếu hoàng đế”. 

Đến tháng Giêng năm Mậu Thân (1248) vua lại đổi miếu hiệu cho cha mình từ Huy Tôn thành Thái Tổ. Như vậy Trần Thừa dù chưa một ngày ở ngôi vua đã được phong là Thái Tổ. Nơi “An Nam chí lược” khi viết về Trần Thừa, cũng xác nhận miếu hiệu Thái Tổ được truy phong cho ông khi viết: “Đời thứ nhất (tức Trần Thừa). Người Giao Chỉ, ngoại thích của nhà Lý. 

Cuối cuộc loạn đời Lý, Trần Thừa cùng em là Kiến Quốc đánh giặc có công, được phong chức Thái úy; Kiến Quốc được làm đại tướng quân. Con trai lấy con gái của Lý Huệ vương là Chiêu Thánh, nhân đó được truyền ngôi (Thừa chết, truy tặng Thái Tổ)”.

Bàn về nguyên do của cớ sự này, sử gia nhà Nguyễn trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có lời bình đáng lưu ý: “Họ Trần lấy được nước, đều là nhờ công sức Thủ Độ, cũng như vua Thuận Trị nhà Thanh với Đa Nhĩ Cổn, chứ Trần Thái Tông có gì đáng khen đâu? Cho nên nhà Trần không có miếu hiệu là Thái Tổ. Cái cớ làm cho nhà Trần được hưởng nước lâu dài là nhờ công đức Thánh Tông và Nhân Tông đấy chăng”.

Còn Trần Cảnh sau truyền ngôi cho con, lên làm Thái Thượng hoàng. Đến năm Đinh Sửu (1277) ông mất, và mùng 4 tháng 10 cùng năm, ông được táng ở Chiêu Lăng, phong miếu hiệu là Thái Tông. Cha là Thái Tổ, con là Thái Tông. Về miếu hiệu Thái Tổ của Trần Thừa, sử thần nhà Nguyễn cho điều đó là không đúng khi nhận xét: “Truy tôn không xứng đáng, dầu có cũng như không”. 

Bói được ngày chết của mình

Xưa, những lời sấm ký, chiêm đoán thường được các nhà chiêm tinh, lý số vận vào những sự kiện lớn, những nhân vật có ảnh hưởng trong lịch sử, và nhiều câu sấm truyền ứng với việc thật làm người đời sau phải ngỡ ngàng về độ chính xác. Thế nên, những điềm như nhà Lý truyền được 9 đời thì dứt bóng, Trần Cảnh được xem tướng biết trước sẽ làm vua làm cho thật giả nhiều khi đan xen nhau, truyền thuyết, giai thoại nhiều khi không phân biệt rõ. 

Nhà Trần với vị vua đầu tiên là Trần Thái Tông, dù xuất thân từ con nhà ngư phủ, nhưng cũng có chữ nghĩa, làm vua trăm họ, mở nghiệp nhà Trần, lại là người hâm mộ đạo Phật, nên tuổi càng cao thì việc xét đoán việc càng sâu. Và bản thân Thái Tông cũng từng có sự chiêm đoán rất chính xác về một vấn đề liên quan tới bản thân mình. Đó là ngày cuối cùng ở dương thế. Việc này được “Đại Việt sử ký tiền biên” thuật lại. 

Một lần Trần Thái Tông lúc này đã làm Thái thượng hoàng, đến ngự đường chợt thấy một con rết bò trên áo ngự, sợ quá ông lấy tay phủi đi, con rết rơi xuống đất phát ra tiếng kêu, nhìn lại thì hóa ra một chiếc đinh sắt. Ông bói thử thì biết sẽ có điềm gì đó sẽ xảy ra vào năm Đinh. Có lần Thượng hoàng đùa, nói Minh Tự Nguyễn Mặc Lão chiêm đoán xem điềm lành hay dữ cho mình. 

Khi Mặc Lão dùng phép chiêm đoán thấy có một cái hòm vuông, bốn mặt đều có chữ “nguyệt”, trên hòm vuông có một cái kim, một cái lược, Trần Thái Tông mới suy ra rằng: “- Cái hòm đó là quan tài, bốn mặt chữ “nguyệt” tức là tháng tư, nguyệt cũng là mệnh âm (trái với nhật tức mặt trời là mệnh dương). 

Cái kim trên hòm có thể xâu vật gì đó tương ứng với đòn xóc khiêng quan tài. Chữ “sơ” là cái lược, đồng âm với chữ “sơ” là xa, tức là sẽ xa rời cõi sống”. Đương lúc đó Thượng hoàng xem múa rối, tiết mục đó hay có câu cửa miệng: “Chóng đến ngày mùng Một thay phiên”. Thượng hoàng lại đoán rằng: “- Thế là ngày mùng Một ta chết.”

Sao Trần Thái Tông truy tôn cha Trần Thừa làm Thái tổ, sai thầy phong thủy đi trấn áp vượng khí các núi sông? - Ảnh 2.

Vua Trần Thái Tông-Vị vua đầu tiên của nhà Trần.

Về sau lời chiêm đoán của Thái thượng hoàng không sai chút nào. Đúng mùng Một tháng tư năm Đinh Sửu (1277), ông băng ở cung Vạn Thọ, đó là sự ra đi dường như đã được báo trước. Trần Thái Tông đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng, bình thản. Tương truyền vào năm Bính Tý (1276), có lần ông bảo trước với người hầu cận: “Đến tháng tư sang năm ta tất chết”, quả ứng nghiệm. Trong “Việt sử diễn âm” thì ghi:

Trị vì ba mươi bốn thu,

Thái Tông hoàng đế tiên đô chầu trời.

Việc ấy, được sử thần Ngô Sĩ Liên ghi là: Điềm lành hay tai họa, chỉ có người thành tâm mới biết trước được. Vì thế, Đại truyện trong Kinh dịch có nói: “Hình dung sự vật thì biết được vật thực, chiêm đoán sự vật thì mới biết được tương lai”. 

Nhưng tất là phải sau khi đã suy xét trong lòng, nghiền ngẫm trong óc, Thái Tông biết được việc tương lai là chiêm đoán sự vật đấy. Nhưng nếu không phải là người lý sáng, lòng thành, mà cứ thấy việc là phỏng đoán mò để rồi khẳng định, thì chưa bao giờ không chuốc lấy tai họa về sau. Đó là chỗ khác nhau giữa cái học sấm ký thuật số với cái học thánh hiền chăng?

Ngày Thượng hoàng Thái Tông băng hà, Thiều Dương công chúa – con gái thứ của ngài – vừa ở cữ chợt nghe tiếng chuông liên thanh ở điện đình. 

Theo thể lệ nhà Lý, nhà Trần, gặp lúc vua mất, thì chuông ở triều đình khua vang lên để báo hiệu. Công chúa biết cha đã rời cõi trần tục, thương xót lắm nên khóc mãi không thôi, rồi cũng mất theo cha…

0378.59.00.99